Võ phục Gi của môn võ Brazillian Jiu-Jitsu

Jiu-jitsu là môn võ xuất phát từ Nhật Bản có tên gốc là Jujutsu – nhu thuật hay nghệ thuật khóa bẻ khớp –được Mitsuyo Maeda và sau đó là gia đình nhà Gracie phát triển thành môn võ thuật mang tên Brazillian Jiujitsu (BJJ). Hiện nay BJJ nói riêng và sự phát triển của Grappling nói chung (Grappling là tên gọi chung của các môn võ vật, sử dụng kỹ chiến thuật khống chế đối phương bằng các đòn vật ngã, khóa bẻ khớp, đánh và triệt hạ trên sàn vật hay còn gọi là Ground fighting) đang cấu thành một bộ phận quan trọng trong bộ môn MMA (Mix Martial Art – Võ thuật tổng hợp).

Trong hệ thống tập luyện bộ môn BJJ, các kỹ thuật căn bản được phát triển từ nền tảng của việc tập với bộ võ phục có tên gọi là Kimono hay Gi, đây là một bộ võ phục với vải 100% Cotton dày, có phần ve áo cứng cáp, có vẻ ngoài khá giống với võ phục của Judo nhưng phom dáng ôm sát vào cơ thể của người tập hơn, và có nhiều ứng dụng trong kỹ thuật tập luyện nhiều hơn so với Judo Gi.

Trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại Gi và mỗi loại Gi có sự khác biệt đáng kể ở cách thức dệt, cắt và may lên nó. Thực sự thì nếu không kể tới các trang trí một bộ Gi, thì cách dệt lên vải Gi cũng tạo sự khác biệt đáng kể trong trải nghiệm sử dụng, luyện tập, độ bền, cảm giác dễ chịu khi tập luyên và trọng lượng của bộ võ phục.

Trong bài viết này, Giai sẽ giới thiệu sơ lược về sự khác biệt giữa các loại Gi hiện có trên thị trường để chúng ta có được cái nhìn tổng quan về loại võ phục rất đặc biệt này nhé!

Dệt dạng ngọc trai (Pearl Weave)

Đầu tiên phải kể tới vải Gi dệt theo dạng ngọc trai (các bạn nhìn hình 1 sẽ thấy tấm vải dệt lên sẽ tạo hình giống như những viên ngọc hình tròn kế tiếp vào nhau). Đây là dạng dệt phổ biến nhất của các dòng sản phẩm Gi trên thị trường hiện nay (chiếm khoảng 80% thị trường) bởi những ưu điểm đáng kể của nó như bền, nhẹ, giữ phom rất tốt, ít bị co lại sau thời gian sử dụng dài, và đặc biệt là các “hạt ngọc trai “ khiến cho đối thủ của bạn khó nắm và cảm giác khó giữ áo của bạn khi hai người thi đấu (điều này rất quan trọng bởi vì nó hạn chế đối thủ cầm, nắm, kéo và sử dụng kỹ thuật với bạn).

Dệt kiểu Gold (Gold Weave)

Gold là cách dệt khá phổ biến trước khi cách dệt ngọc trai được sử dụng, bởi vì đây là cách dệt của các bộ Gi Judo truyền thống – sau đó được học hỏi và phát triển thành bộ Gi của môn BJJ. Ưu điểm của cách dệt này là tạo cảm giác mềm và dễ chịu khi mặc, bền, đẹp, tuy nhiên lại không giữ phom tốt như cách dệt ngọc trai kể trên, và co lại nhiều hơn sau thời gian giặt và sử dụng.

Dệt sợi đơn (Single Weave)

Loại vải này có giá thành thấp hơn các loại kể trên, mềm và nhẹ khi mặc, nhưng lại có phần co nhiều sau giặt, và dễ mất phom khi cầm, nắm, kéo, và khiến cho đối thủ của bạn dễ dàng nắm giữ và sử dụng kỹ thuật khi thi đấu với bạn.

Dệt sợi đôi (Double Weave)

Như tên gọi của nó, dệt sợi đôi sẽ giúp cho bộ võ phục dày hơn, khiến nó nặng và cảm giác nóng hơn khi mặc lên, nhưng lại bền và giữ phom tốt hơn dệt đơn. Nếu bạn mặc áo Gi này thì đối thủ của bạn sẽ rất khó nắm giữ, thậm chí cảm thấy khó chịu và đau các ngón tay khi tập luyện cùng với bạn. Loại vải này cũng đắt tiền hơn các kiểu dệt khác nên hiện này ít xuất hiện trên thị trường Gi.

Dệt kiểu Ripstop (Chống rách, chống mài mòn)

Như cái tên của nó (Rip là rách – stop là ngăn lại), loại vải này là vải pha giữa sợi bông Cotton và sợi tổng hợp Polyester, để đảm bảo được tính thấm hút mồ hôi nhưng lại tận dụng được sự bền bỉ dẻo dai và tính nhẹ và giữ phom của Polyester. Thường thì vải ripstop cũng được may theo cấu trúc các hình tổ ong nối tiếp vào nhau để chống mài mòn tốt hơn và chống rách rất tốt. Loại vải này bền, tuy nhiên cảm giác nóng khi mặc vì có pha sợi tổng hợp, và dĩ nhiên nó thấm hút mồ hôi kém hơn vài 100% sợi bông. Vải này thường được dùng để may quần của Gi vì những lợi điểm của nó. Một bộ võ phục với áo Gi may với vải ngọc trai và một chiếc quần Ripstop thường được dùng để làm một bộ Gi nhẹ có thể dễ dàng mang theo khi di chuyển nhiều nơi (Travel Gi).

Ngoài ra còn có một số phương pháp dệt Gi ít phổ biến hơn như dệt Canvas, dệt kim cương,… nhưng ít phổ biến hơn.

Vậy là chúng ta đã có một cái nhìn khái quát về sự khác biệt giữa các loại vải dùng để sản xuất BJJ Gi, để có sự phân biệt cũng như lựa chọn cho mình bộ võ phục phù hợp nhé.

Còn một thông tin rất quan trọng khi các bạn chọn một bộ võ phục Gi  mà Giai muốn giải thích thêm trong bài viết này, đó là thông số GSM của vải, đây là viết tắt của Grams Per Square Metre (số Gam trên một mét vuông vải), khi các bạn nhìn thấy thông số ví dụ như 350GSM, 450GSM, 550GSM hoặc tương tự, có nghĩa là vải đó có trọng lượng là 350 Gram trên mỗi mét vuông vải. Trọng lượng càng nhỏ thì bộ Gi đó càng nhẹ, dễ mặc, mát nhưng ngược lại dễ cho đối thủ cầm, nắm, và sẽ kém bền hơn các loại Gi có trọng lượng vải lớn hơn.

Giai rất mong những thông tin nêu trên hữu ích cho các bạn khi lựa chọn võ phục cho đam mê môn võ BJJ của mình.

(Giai.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *